Phát triển nghề chạm khắc gỗ Ninh Hữu Hưng

Phong cảnh đình La Xuyên

Nhà Tiền Lê thay nhà Đinh, sau khi đánh thắng quân Tống, vua Lê Đại Hành cho xây dựng lại cung thất, Ninh Hữu Hưng càng được trọng dụng. Khi vua đi thuyền qua vùng đất Thiết Lâm (tương ứng với các làng La Xuyên, Ninh Xá Hạ ngày nay), thấy đất đẹp nhưng dân cư thưa thớt, chỉ có dăm nhà lác đác ven sông, đã cho Ninh Hữu Hưng ở lại đất này. Từ đó, ông định cư tại đây rồi đem cả con cháu, họ hàng đến vùng đất mới lập thành ấp lớn. Ông bỏ tiền chiêu dân, khuyến khích việc canh tác, phát triển nghề thủ công, đặc biệt là nghề mộc chạm.

Sau khi ông mất, vua Lý Thái Tổ ban cho ông tên thụy là Lão La Đại Thần. Vùng đất Thiết Lâm được đổi thành Ninh Xá (làng của người họ Ninh) và La Ngạn. Làng La Ngạn về sau được đổi tên thành La Xuyên. Để tỏ lòng biết ơn và tôn kính, dân các làng thuộc xã Yên Ninh đều lập đền thờ Ninh Hữu Hưng. Công lao của ông được ghi lại trong câu đối lưu giữ trong Đình các làng thuộc xã Yên Ninh:

Mộc tượng giáo dân nguyên hữu ýKiến đô lập quốc sử ghi công

Ngoài ra, Ninh Hữu Hưng còn được thờ ở đình Phúc Lộc, thuộc làng nghề mộc Phúc Lộc, phường Ninh Phong, thành phố Ninh Bình. Ông cũng được thờ ở miếu thờ Đức Vân Lôi Đại Thần ở núi Phượng Sơn, bên suối khoáng Kênh Gà thuộc địa phận thôn Liên Huy, xã Gia Thịnh, huyện Gia Viễn, Ninh Bình.